Thứ Tư, 17 tháng 9, 2014

Đầu tư thủy lợi, tạo động lực mới cho ĐBSCL
Chủ nhật, 17/09/2014  
Quy hoạch và đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất là nhiệm vụ quan trọng, khâu đột phát cho sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững. Đến nay, nhiều công trình thủy lợi lớn tại vùng đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên vốn đầu tư, bất cập trong quy hoạch, cơ chế chính sách… còn nhiều việc phải bàn để thủy lợi thật sự là 1 trong 3 khâu đột phá của ĐBSCL.
Nâng chất dự án thủy lợi...
Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn quan tâm phát triển hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất lúa 3 vụ trong năm. 
Trong ảnh: Thi công gia cố đê bao bảo vệ lúa vụ 3 ở huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ.  
Theo báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những năm gần đây, hệ thống thủy lợi cho vùng ĐBSCL được quan tâm đầu tư từ nhiều nguồn như: vốn ODA, trái phiếu chính phủ, vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn đóng góp của người dân… Trong đó, nhiều công trình, dự án qui mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của vùng... Trong giai đoạn 2006-2012, tổng vốn đầu tư cho thủy lợi vùng ĐBSCL là 14.870 tỉ đồng. Trong đó, vốn do Bộ NN&PTNT quản lý 4.970 tỉ đồng và còn lại là vốn do các địa phương quản lý. Tính bình quân mỗi năm có gần 2.200 tỉ đồng đầu tư cho thủy lợi ĐBSCL.
Trong gian đoạn này, Bộ NN&PTNT đã triển khai thực hiện nhiều dự án qui mô lớn do Bộ quản lý đầu tư. Đó là các dự án sử dụng nguồn vốn ODA gồm: các dự án WB2, WB4, WB6, dự án quản lý rủi ro lũ và hạn tiểu vùng Mekong mở rộng, dự án hỗ trợ thủy lợi WRAP Việt Nam… có vốn đầu tư từ vài chục đến trên trăm triệu USD mỗi dự án. Các dự án vốn trái phiếu chính phủ, Bộ NN&PTNT quản lý 12 công trình lớn, liên tỉnh; các công trình này được lựa chọn để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất về thủy lợi tại các địa phương ở ĐBSCL. 7 công trình hoàn thành gồm: kênh T3-Ba Hòn, kênh Hà Giang (tỉnh Kiên Giang), kênh 79, kênh Sở Hạ-Cái Cỏ (tỉnh Long An), kênh Tân Thành-Lò Gạch (Đồng Tháp - Long An), kênh Phước Xuyên-Hai Tám (Đồng Tháp - Long An), kênh Trà Sư-Tri Tôn (An Giang)… Các dự án vốn ngân sách nhà nước đã hoàn thành 13 công trình gồm: kênh bảy xã giai đoạn 1 (An Giang), Cái Tre, Bình Giang 1, Bình Giang 2, Ba Hòn-T3 (Kiên Giang), Bảo Định (Tiền Giang), hoàn thiện bờ bao Mỹ Thanh-Phú Hữu (Sóc Trăng)… Các dự án thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt dự án đầu tư 7 dự án với tổng vốn gần 1.300 tỉ đồng...
Bên cạnh đó, các địa phương ĐBSCL cũng quản lý đầu tư nhiều dự án thủy lợi lớn nhỏ. Trong đó, đối với các dự án vốn trái phiếu chính phủ, giai đoạn 2006-2012 các địa phương quản lý nguồn vốn 4.938 tỉ đồng, đến cuối năm 2012 cũng đã hoàn thành 16 công trình. Bao gồm: đê bao Thạnh Hóa, kênh Cả Gừa và 3 kênh cấp 1 Bình Thành (Long An), kè Gành Hào giai đoạn 1 và hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản Cái Cùng-Huyện Kệ (Bạc Liêu), dự án thủy lợi tiểu vùng 1, vùng 6 xã thuộc huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), kè kênh Xáng Xà No giai đoạn 1 (Hậu Giang), hồ Soài Xo và hồ Ô Túc vùng Bảy Núi (An Giang), đê bao Cao Lãnh và kênh Đường Thét-Cần Lố (Đồng Tháp), nạo vét kênh Đứng (Cần Thơ)... Các dự án vốn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2006-2012 các địa phương quản lý nguồn vốn hơn 4.350 tỉ đồng, bao gồm ngân sách địa phương và hỗ trợ từ ngân sách trung ương, vốn đóng góp của người dân...
Nhờ đẩy mạnh đầu tư phát triển thủy lợi, đến nay toàn vùng ĐBSCL có được 5 hồ chứa, 1.221 trạm bơm quy mô vừa đến lớn, hàng nghìn trạm bơm qui mô nhỏ, 2.447 cống; hệ thống kênh trên 80.000 km (gồm kênh trục, cấp 1, cấp 2 và cấp 3); về kiểm soát lũ, có khoảng 25.900 km bờ bao chống lũ bảo vệ lúa hè thu, 460 km đê biển, 1.600 km đê sông và hơn 200 km đê bao giữ nước chống cháy. Các công trình thủy lợi có tổng diện tích tưới thiết kế cả năm là 3.773.180 ha, thực tế tưới được 3.126.350 ha, đạt trên 80% công suất thiết kế, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, theo phản ánh của các địa phương, các dự án thủy lợi lớn đã phát huy hiệu quả, nhưng các công trình phụ đầu tư chưa đồng bộ, chồng chéo trong cơ chế quản lý nhà nước, việc huy động vốn xã hội đầu tư cho thủy lợi còn nhiều hạn chế. Để các công trình, dự án thủy lợi phát huy hiệu quả đồng bộ cần hạn chế đầu tư dàn trải, tập trung hoàn thành các tuyến thủy lợi chính, thủy lợi nội đồng đảm bảo sản xuất nông nghiệp và ứng phó với nguy cơ biến đổi khí hậu.

Hạn chế đầu tư dàn trải…
Mới đây, Bộ NN&PTNT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL. Các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá lại hiệu quả của hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL, đồng thời làm rõ tác động quy hoạch thủy lợi với môi trường, vấn đề tranh chấp môi trường mặn – ngọt trong nuôi tôm, trồng lúa; tình hình sạt lở bờ sông, đê biển và việc quản lý khai thác công trình thủy lợi… thời gian qua. Đồng thời, Bộ NN&PTNT còn triển khai Quyết định số 1397/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch thủy lợi ĐBSCL giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2050 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Theo quyết định trên, kinh phí dự kiến thực hiện quy hoạch thủy lợi ĐBSCL vào khoảng 171.700 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng đê biển khoảng 6.370 tỉ đồng; kinh phí xây dựng, củng cố đê sông khoảng 11.660 tỉ đồng; kênh tiếp nước, hồ chứa khoảng 4.980 tỉ đồng; kinh phí xây dựng công trình kiểm soát lũ khoảng 4.760 tỉ đồng và kinh phí xây dựng các cống lớn vùng ven biển, củng cố, hoàn thiện hệ thống thủy nông nội đồng 125.310 tỉ đồng. Phân theo 3 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 2012-2020 khoảng 41.400 tỉ đồng, giai đoạn 2021-2030 khoảng 49.450 tỉ đồng và giai đoạn 2031-2050 khoảng 80.850 tỉ đồng...

Tại hội nghị phát triển thủy lợi khu vực ĐBSCL, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng cho rằng, vai trò của thủy lợi đối với việc phát triển kinh tế- xã hội vùng ĐBSCL rất quan trọng. Trong điều kiện công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngành nông nghiệp, thách thức của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa ở các đô thị ngày một nhanh… thì việc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng thủy lợi càng trở nên cấp thiết hơn. Các địa phương đều kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương quan tâm để việc phân bổ nguồn vốn, huy động các nguồn lực đầu tư các công trình thủy lợi cấp thiết… Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL phải có sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và nhân dân toàn vùng. Các địa phương cần nhanh chóng công khai thông tin về quy hoạch thủy lợi vùng theo Quyết định 1397/QĐ-TTg ra dân. Năm 2013, các tỉnh, thành ĐBSCL phải rà soát lại quy hoạch thủy lợi của địa phương cho phù hợp với quy hoạch thủy lợi chung của vùng. Hướng tới, cần tập trung đầu tư cho các công trình cấp bách, các công trình đang dang dở để sớm phát huy hiệu quả và tránh đầu tư dàn trải…

Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết thủy lợi được xác định là một trong ba khâu đột phá của vùng ĐBSCL. Hệ thống thủy lợi của vùng đã phát triển khá toàn diện, với nhiều công trình kiểm soát lũ vừa và lớn phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống dân sinh. Các công trình thủy lợi gắn với xây dựng cụm, tuyến dân cư, nhà ở vùng ngập lũ cũng được quan tâm đầu tư và mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt. Để triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ NN&PTNT cần sớm có hướng dẫn cho các địa phương trong vùng triển khai thực hiện quy hoạch thủy lợi phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Chú trọng quy hoạch, phát triển thủy lợi đa mục tiêu; ưu tiên đối với các dự án, công trình cấp bách, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân.

                                                                                                                 ( Nguồn: baocantho.com.vn)

Thứ Sáu, 12 tháng 9, 2014

Mô hình thí nghiệm ly tâm tiên tiến cho các vấn đề địa kỹ thuật tại HKUST

HKUST được biết đến là Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, Trung Quốc. Tại đây, mô hình thí nghiệm ly tâm địa kỹ thuật được thực hiện để mô phỏng và nghiên cứu các vấn đề hóc búa của địa kỹ thuật. Thí nghiệm này thu được các kết quả trong khảo sát, đánh giá vấn đề địa biến dạng cơ học và phá hủy của các mô hình, từ đó phân tích và so sánh với các mô số. Do độ tin cậy, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, thí nghiệm ly tâm thường được thực nghiệm cho các vấn đề phức tạp của địa cơ nền móng.
Trong bài giảng của ZENG Guo-xi đã trình bày các khái niệm cơ bản về tĩnh, động lực học trong mô hình thí nghiệm ly tâm địa kỹ thuật. Thí nghiệm hiện đại này được ứng dụng nhiều tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông để khảo sát 4 lớp bài toán phức tạp đã được công bố bao gồm:
1. Nghiêng nứt của các khu cao ốc
2. Ảnh hưởng của đường hầm bị sập tới các đường hầm đang làm việc
3. Ảnh hưởng của mái dốc tới sức chịu tải cọc
4. Ổn định của cát chảy trong mái dốc đắp bằng cát rời
Trong báo cáo này trình bày nhiều phát hiện và nhìn nhận mới về 4 lớp bài toán này. Báo cáo cũng mong minh họa được vai trò của mô hình thí nghiệm ly tâm tiên tiến trong nghiên cứu những vấn đề phức tạp của địa kỹ thuật.


(Nguyễn Hải Hà)
Tải toàn bài tại đây.